Pacific Airlines – hãng hàng không nhiều lần đổi chủ của Việt Nam

Khi Qantas – đối tác sở hữu thương hiệu Jetstar rút vốn, hãng sẽ có lần tái cơ cấu lớn tiếp theo và chia tay với thương hiệu đến từ Australia này. Phần vốn của Qantas sẽ được chuyển nhượng cho Vietnam Airlines, điều này biến hãng hàng không Vietnam Airlines trở thành cổ đông lớn nhất với số cổ phần nắm giữ lên tới 98%. Có thể nói, Pacific Airlines – hãng hàng không nhiều lần đổi chủ của Việt Nam, hy vọng với sự thay đổi mới nhất này, hãng sẽ có được bước phát triển riêng cho mình.

Pacific Airlines – hãng bay giá rẻ đầu tiên của Việt Nam

Pacific Airlines là một hãng hàng không được thành lập vào năm 1991 và là hãng vận chuyển không thuộc sở hữu của nhà nước đầu tiên ở Việt Nam sau khi luật được sửa đổi, cho phép đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hàng không trong nước. Số vốn ban đầu khi thành lập của hãng là 40 tỷ đồng và có 7 cổ đông là Cục hàng không dân dụng Việt Nam, 4 doanh nghiệp thành viên chiếm 86,49% cổ phần. Hai cổ đông còn lại của hãng là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn chiếm 13,06% cổ phần và Công ty Du lịch Sài Gòn Giao thông vận tải chiếm 0,45% cổ phần.

Hình ảnh nhận diện ban đầu của Pacific Airlines

Sau 2 năm ngắn ngủi hoạt động, hãng đã có lần đổi chủ đầu tiên. Vào năm 1993, Cục hàng không dân dụng Việt Nam đã tái cấu trúc bộ phận khai thác thành hãng hàng không dân dụng Việt Nam. Khi hãng vận chuyển mới ra đời, các cổ phần của cục hàng không dân dụng được chuyển sang cho hãng. Điều này đồng nghĩa với việc Pacific Airlines trở thành công ty con của hãng Vietnam Airlines.

Tới giai đoạn 1995, Pacific Airlines đã trở thành đơn vị thành viên của hãng Vietnam Airlines và từ năm 1996 là thành viên Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Cổ phần của hãng Vietnam Airlines và các doanh nghiệp thành viên chuyển lại thống nhất cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam quản lý. Cổ đông của Pacific Airlines lúc đó chỉ còn lại 3 là Vietnam Airlines Group, Saigon Touris và Tradevico.

Vietnam Airlines là một cổ đông của Pacific Airlines

Hãng hoạt động theo cơ cấu trên trong vòng 10 năm nhưng không có được hiệu quả như mong muốn, nên lại tiếp tục có lần đổi chủ tiếp theo vào năm 2005. Vào thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển toàn bộ 86,49% cổ phần của Tổng công ty Hàng không Việt Nam cho Bộ Tài Chính, quản lý và tái cơ cấu hãng bay. Trong quá trình này, hãng đã cắt bỏ những đường bay kém hiệu quả, điều này giúp giảm được các khoản lỗ nhất định.

Một lần nữa hãng đổi chủ vào tháng 8 năm 2006, khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC thành lập. Toàn bộ số cổ phần của nhà nước tại Pacific Airlines do Bộ Tài chính nắm giữ được chuyển cho SCIC nắm giữ và điều hành hoạt động của hãng.

SCIC nắm giữ cổ phần của Pacific Airlines từ năm 2006

Điều hành bởi Qantas và có tên gọi mới Jetstar Pacific

Trong giai đoạn 2006 – 2007, Qantas – Australia và AirAsia – Malaysia chạy đua để trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines. Cuộc chạy đua này nhằm gia nhập thị trường hàng không nội địa Việt Nam vốn được xem là một thị trường nhiều tiềm năng phát triển.

Cuộc đua kết thúc khi Qantas giành được chiến thắng vào tháng 4 năm 2007. Hãng hàng không này đã mua lại 30% cổ phần của Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược của hãng. Tập đoàn Qantas mua cổ phần của Pacific Airlines nhanh chóng bởi nó cũng có tham vọng có một hãng hàng không giá rẻ mang thương hiệu của mình ở khu vực Đông Nam Á, xa hơn nữa chính là châu Á – Thái Bình Dương.

Qantas là một cổ đông của Pacific Airlines từ năm 2007

Theo như thỏa thuận, Qantas sẽ đầu tư 50 triệu USD để sở hữu 18% cổ phần, sau đó sẽ đầu tư thêm để đạt được con số 30%. Với thỏa thuận này, Pacific Airlines nhận được lượng tiền mặt vừa đủ để tái cơ cấu, cắt lỗ trong giai đoạn trước. Đồng thời hãng cũng được sử dụng toàn bộ nhận diện thương hiệu cùng hệ thống phân phối Jetstar của Qantas và đổi thành tên gọi mới là Jetstar Pacific Airlines.

Khoảng cuối năm 2011, cổ đông của Jetstar Pacific vẫn bao gồm 3 cổ đông là SICC (70% cổ phần), Qantas (27% cổ phần) và Saigon Toruis (3% cổ phần). Tuy nhiên hoạt động của hãng thời điểm này cũng không hiệu quả, chỉ chiếm 17% thị phần hàng không nội địa Việt Nam, vì thế quá trình tái cơ cấu cổ đông và rà soát lại toàn bộ hoạt động lại được thực hiện.

Vietnam Airlines đã tiếp nhận quyền đại diện vốn nhà nước từ SCIC

Hãng hàng không Vietnam Airlines đã tiếp nhận quyền đại diện vốn Nhà nước của Jetstar Pacific từ SCIC với 70% cổ phần. Tổng công ty Hàng không Việt Nam cũng quyết định thay kế hoạch xây dựng hàng không giá rẻ VietAir để đưa Jetstar Pacific thành hãng bay cung cấp các sản phẩm hàng không giá rẻ. Từ khi tiếp nhận Vietnam Airlines đã thực hiện quy trình tái cơ cấu, giúp Jetstar Pacific nhận được những khoản lãi nhất định.

Sau quá trình tái cơ cấu này của Vietnam Airlines và Qantas, Jetstar Pacific đã từng bước giảm lỗ và bắt đầu thu lợi nhuận vào năm 2018 và 2019. Đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kết quả kinh doanh của hãng lại khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, Jetstar Pacific ghi nhận lỗ 1.200 tỷ đồng. Dịch bệnh này cũng ảnh hưởng tới Qantas nên đối tác này cũng có sự cân nhắc về khoản đầu tư của mình.

Sau khi Qantas rút vốn, Jetstar Pacific chính thức khai tử và đổi thành Pacific Airlines

Ngày 15 tháng 6, thông báo Qantas sẽ rút vốn khỏi Pacific Airlines được Vietnam Airlines đưa ra. Đồng nghĩa với điều đó, hãng hàng không Vietnam Airlines sẽ sở hữu 98% cổ phần của hãng vận chuyển giá rẻ này. Thêm một lần nữa Pacific Airlines lại được tái cơ cấu, chia tay với thương hiệu Jetstar và mang một bộ nhận diện mới, cùng hệ thống bán vé giống như Vietnam Airlines.

Sau quá trình tái cơ cấu, Pacific Airlines dự kiến khai thác đội bay 40 chiếc vào năm 2025 nếu như hoạt động kinh doanh thuận lợi. Lãnh đạo của hãng cũng cho biết, doanh nghiệp sẽ hoạt động dưới mô hình công ty độc lập, nhưng vẫn không tách rời Vietnam Airlines.