Số phận của Pacific Airlines sau nhiều lần tái cơ cấu và trở về chủ cũ

Vào khoảng trung tuần tháng 6, Vietnam Airlines và Qantas đã thống nhất xúc tiến những thay đổi đối với hãng hàng không Jetstar Pacific với mục đích cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như khả năng lợi nhuận của hãng. Như vậy, trong suốt quá trình hoạt động, Jetstar đã trải qua nhiều lần tái cơ cấu và gần đây nhất được đổi tên thương hiệu thành Pacific Airlines. Tuy là hãng bay giá rẻ đầu tiên của Việt Nam nhưng số phận của Pacific Airlines sau nhiều lần tái cơ cấu và trở về chủ cũ vẫn chưa hết long đong, lịch sử hoạt động không mấy suôn sẻ.

Ba lần tái cơ cấu, Pacific Airlines lại trở về chủ cũ

Như đã biết, Pacific Airlines là tiền thân của hãng hàng không Jetstar Pacific, được thành lập vào năm 1991 do Saigontourist và Vietnam Airlines sáng lập và đồng sở hữu. Từ khi thành lập, Pacific Airlines vẫn hoạt động không hiệu quả nên đầu năm 2005, Chính phủ buộc phải chuyển 86.49% vốn Nhà nước về Bộ Tài chính quản lý. Đến tháng 8/2006 thì số vốn này chuyển về SCIC điều hành.

Hãng hàng không Jetstar Pacific là hãng bay giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam

Để tái cơ cấu hoạt động và cắt lỗ của hãng hàng không Pacific Airlines, Chính phủ đã bán 30% cổ phần của hãng cho Tập đoàn Qantas – Úc với trị giá khoảng 50 triệu USD. Đến năm 2007, Pacific Airlines được đổi tên thương hiệu thành Jetstar Pacific Airlines, đánh dấu sự ra đời của hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam và cũng là hãng hàng không đầu tiên có vốn đầu tư từ nước ngoài.

Sau đó, SCIC nắm giữ 62% cổ phần của Pacific Airlines. Sở dĩ SCIC chọn Qantas làm nhà đầu tư chiến lược là bởi tập đoàn này có hệ số an toàn cao, tiềm lực tài chính và kinh nghiệm dày dặn trong hoạt động điều hành hàng không giá rẻ.

Qantas là một trong những cổ đông lớn của Jetstar Pacific

Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra vào năm 2008 đã khiến việc kinh doanh hàng không tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Chi phí nhiên liệu tăng cao cùng với đội bay già cỗi trên 15 năm tuổi, kèm theo là hạn chế về tổ chức hoạt động khiến Jetstar liên tục thua lỗ. Tổng lỗ lũy kế của Jetstar giai đoạn 2005 – 2011 lên đến 2.100 tỷ đồng.

Cuối năm 2011, Jetstar đứng trên bờ vực phá sản khi mất khả năng thanh toán với vốn chủ sở hữu âm trên 600 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 2.500 tỷ đồng. Để vực dậy, năm 2012, Thủ tướng giao cho Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn nhà nước tại SCIC và thực hiện tái cơ cấu lần hai đối với Jetstar.

Đồng phục tiếp viên Jetstar thể hiện tính năng động và sự sang trọng

Sau khi nhận Jetstar, với vai trò là cổ đông lớn, Vietnam Airlines cùng Qantas tái cơ cấu mạnh mẽ Jetstar trên định hướng xây dựng thương hiệu kép – hàng không truyền thống đi kèm hàng không giá rẻ. Năm 2017, hiệu quả kinh doanh của Jetstar được cải thiện, giảm lỗ 561 tỷ đồng so với năm 2016.

Năm 2019, Jetstar gánh khoản lỗ 4.400 tỷ đồng. Sang năm 2020, đại dịch Covid-19 như một cú đấm cực mạnh giáng xuống khiến Jetstar không thể gượng nổi. Qantas cũng gặp vô vàn khó khăn để duy trì kinh doanh tại Úc nên đã tính đến chuyện thoái vốn, rút lui khỏi thị trường Việt Nam sau 13 năm kinh doanh không hiệu quả.

Tiếp viên Jetstar hướng dẫn hành khách cất hành lý xách tay trên máy bay

Jetstar Pacific được tái cơ cấu lần 3

Tháng 7 tới, Vietnam Airlines sẽ nhận 30% cổ phần từ Qantas, nâng tỷ lệ nắm giữ lên 98%. Trong đợt tái cơ cấu toàn diện này, Jetstar sẽ trở về tên khai sinh là Pacific Airlines, thay đổi logo và bộ nhận diện với nguồn cảm hứng lấy từ màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines. Pacific Airlines sẽ hoạt động với tư cách là công ty độc lập hoàn toàn nhưng được Vietnam Airlines hỗ trợ, trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng hàng không quốc gia.

Số phận của Pacific Airlines sẽ ra sao trong tương lai?

Nhiều ý kiến cho rằng, với quy mô chưa đầy 20 máy bay, đội bay của của Jetstar thực sự nhỏ. Những tưởng hãng sẽ được nâng đỡ bởi hai ông lớn là Vietnam Airlines và Qantas nhưng thực tế lại rơi vào thế kẹt. Bên cạnh đó, hãng còn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của hãng hàng không giá rẻ Vietjet với đội bay lớn hơn gấp 4 lần, thậm chí quy mô thua cả tân binh Bamboo Airways.

Hiện Vietnam Airlines là cổ đông lớn nhất của Jetstar Pacific

Phó Tổng giám đốc của Vietnam Airlines ông Trịnh Hồng Quang lý giải về sự trồi sụt của Jetstar rằng, do bộ máy lãnh đạo của hãng vừa có Vietnam Airlines là doanh nghiệp nhà nước, vừa có Qantas là công ty tư nhân nên có sự khác biệt về văn hóa, quan điểm làm việc nên chưa tạo được sự đột phá. Hơn nữa, cơ chế điều hành của Jetstar phụ thuộc quá nhiều vào Qantas vì hệ thống quan trọng nhất – đặt vé và giữ chỗ lại ở Melbourne, Úc.

Bộ nhận diện thương hiệu của Pacific Airlines dự kiến được lấy cảm hứng từ màu sắc chủ đạo của Vietnam Airlines

Trong lần tái cơ cấu này, thương hiệu Pacific Airlines buộc phải dựa vào nguồn lực và thế mạnh của Vietnam Airlines trong khi bản thân hãng hàng không quốc gia đang cần bơm gấp 12.000 tỷ đồng, nếu không hãng sẽ cạn tiền mặt trong tháng 8 tới. Dự kiến, Vietnam Airlines lỗ từ 15.000 – 16.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Có vẻ như số phận của Pacific Airlines vẫn chưa hết long đong khi phải tái cơ cấu nhiều lần, tách ra rồi lại nhập vào chủ cũ, đổi tên mới rồi lại trở về với tên khai sinh… Tuy nhiên, dựa trên những kế hoạch mà Vietnam Airlines xúc tiến để tái cơ cấu Jetstar trong lần này, hứa hẹn hãng sẽ có đạt được những thành tích nhất định khi chính thức hoạt động với tên thương hiệu mới là Pacific Airlines.