Khám phá miếu Hòn Bà ở Vũng Tàu – nơi gắn với sự tích ly kỳ

Bạn sẽ tìm thấy chuyến khám phá miếu Hòn Bà ở Vũng Tàu – nơi gắn với sự tích ly kỳ đầy thú vị. Ngôi miếu nằm trên đảo Hòn Bà giữa vùng biển khơi của Vũng Tàu và đặc biệt hút khách bởi những câu chuyện kỳ bí. Bên cạnh đó du khách đến đây là để đi qua con đường đá độc đáo dẫn ra đảo chỉ xuất hiện một vài lần trong tháng. Cùng tìm hiểu thêm về điểm đến du lịch Vũng Tàu hút khách này nhé!

Những thông tin về miếu Hòn Bà ở Vũng Tàu

Với vị trí nằm cách đất liền không quá xa, đảo Hòn Bà đã trở thành một điểm tham quan Vũng Tàu được người dân địa phương và khách du lịch yêu thích. Hòn đảo này có diện tích không quá lớn, chỉ vỏn vẹn 5.000m2 nên hoàn toàn có thể khám phá chỉ trong 1 buổi mà không tốn quá nhiều thời gian. Từ đỉnh Tao Phùng hoặc Mũi Nghinh Phong, có thể phóng tầm mắt ra xa và ngắm trọn vẻ đẹp của Hòn Bà cùng ngôi miếu trên đảo.

Đảo Hòn Bà nằm giữa biển và cách đất liền không xa

Để khám phá Hòn Bà du khách phải đi thuyền khi nước lên hoặc đi bộ qua đảo khi thủy triều xuống. Đi thuyền khá tốn thời gian vì phải đi theo đường vòng vì khu vực xung quanh đảo thường có nhiều đá ngầm. Với lựa chọn đi bộ, du khách cần chờ đợi thời điểm thủy triều xuống thấp để đi xuyên qua con đường dưới đáy biển dài 200m từ Bãi Sau tới đảo Hòn Bà. Khi con đường xuất hiện cũng chính là lúc địa điểm này đông đúc nhất.

Miếu Hòn Bà ở Vũng Tàu nổi tiếng là địa điểm tâm linh hàng đầu, là nơi tổ chức thờ cúng vào 4 kỳ đó là tháng Giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10 âm lịch. Vì thế du khách có thể tìm thấy bầu không khí lễ hội đặc biệt nếu tới đây vào những khoảng thời gian này trong năm.

Không phải lúc nào cũng có thể khám phá điểm đến này đâu

Câu chuyện ly kỳ về miếu Hòn Bà

Để có được chuyến khám phá miếu Hòn Bà ở Vũng Tàu – nơi gắn với sự tích ly kỳ thì trước hết hãy cùng tìm hiểu câu chuyện về ngôi miếu trên đảo này nhé. Theo như sử sách ghi lại thì miếu Hòn Bà được xây dựng năm 1781 bởi một vị hương chức thời phong kiến ở làng Thắng Tam (Vũng Tàu). Ở thời điểm đó, miếu có tên là Miếu Bà và là nơi thờ cúng bà Thủy Long thần để ban phúc cho người dân đi biển.

Người dân làng Thắng Tam đã thờ cúng miếu Bà trong nhiều năm. Tới năm 1939, viên sĩ quan người Phá Archinard đã hạ lệnh nã 3 phát đại pháo vào ngôi miếu nhưng chỉ có 1 phát trúng góc miếu, khiến nó bị hư hại. Điều ly kỳ ở đây chính là chỉ vài ngày sau đó, viên sĩ quan này đã bỏ mạng tại chính miếu Bà do sử dụng súng bất cẩn. Nhưng chính điều đó đã khiến người Pháp tin rằng đây là một ngôi miếu linh thiêng và không nên phá hoại.

Đảo Hòn Bà là nơi có những câu chuyện ly kỳ

Người Pháp gọi đảo Hòn Bà là đảo Archinard sau cái chết của viên sĩ quan này, nhưng người dân địa phương thì vẫn gọi là đảo Hòn Bà như xưa. Sau một thời gian dài bị xuống cấp, miếu Hòn Bà ở Vũng Tàu mới được trung tu vào năm 1971 nhờ sự quyên góp của người hảo tâm gốc Trà Vinh là Thanh Phong. Sau nhiều lần sửa chữa, miếu Hòn Bà ở Vũng Tàu đã trở nên đẹp hơn, khuôn viên mở rộng và có cổng cũng như con đường đá đi từ chân đảo lên miếu.

Vẻ đẹp kiến trúc của miếu Bà

Miếu Hòn Bà được xây dựng với kiểu kiến trúc chia làm 2 phần chính là cổng vào miếu và khu vực chánh điện. Cổng vào được xây dựng với 2 trụ bê tông cốt sắt chắc chắn, bên trên được khắc dòng chữ ‘Lưỡng Long Chầu Nhật’ cách điệu ấn tượng. Du khách khi khám phá miếu có thể đi theo con đường tam cấp từ cổng dưới chân đảo tới cổng vào ngôi Miếu, sau đó là tới chánh điện và vòng ra cổng.

Miếu Hòn Bà nằm trên đảo có một kiểu kiến trúc ấn tượng

Khu vực tòa chánh điện được xây dựng hướng Đông Nam theo lối kiến trúc tứ trụ với 2 tầng 8 mái tượng trưng. Bên trên tòa nhà được lợp ngói đỏ, sơn màu đỏ và sử dụng các vật trang trí hình chim phượng cách điệu cho phần bờ nóc và bờ diềm mái. Tầng trên của tòa chánh điện được xây dựng theo kiểu kiến trúc hình vuông, có tỷ lệ nhỏ hơn so với tầng dưới để chống lại cái nắng gay gắt. Đồng thời nó cũng giống như một hình ảnh trang trí giúp cho miếu Hòn Bà ở Vũng Tàu thêm phần ấn tượng và có vẻ đẹp thiêng liêng.

Tòa chánh điện là nơi thờ phượng Thủy Long – được xem là thần nữ chuyên quản lý các miền biển, sông nước và được biết đến với tên gọi khác la Mẫu Thoải. Đây là một vị thần có mặt ở khắp các miền biển, vùng sông nước để giúp đỡ mọi người di chuyển dễ dàng và thuận lợi hơn.

Miếu Hòn Bà là nơi thờ phượng Thủy Long

Trong những câu chuyện truyền thuyết, Mẫu Thoải sẽ giúp đỡ người dân, những vùng nào gặp hạn thì sẽ phái tướng sĩ đi làm mưa, còn vùng gặp bão lũ thì hóa phép để gió yên, mưa tạnh. Các loài thủy quái, thủy tặc cũng không hề tác oai, tác quái bởi đã có những thần tướng của Mẫu Thoải canh chừng.

Theo như quan niệm tâm linh của người Việt thì Thủy Long thần nữ luôn gắn liền với hình ảnh của một người mẹ hiền lành, đảm đang, luôn lo lắng, giúp đỡ cũng như phù hộ cho những cư dân miền sông nước, nhất là miền biển.

Tới miếu Hòn Bà đừng quên thắp nhang nhé!

Tại khu vực trung tâm của miếu thờ là nơi bài trí bàn thờ, đặt bài vị và 5 pho tượng Ngũ Hành Nương Nương. Trong quan niệm của hệ thống triết học Phương Đông cổ đại thì đây chính là 5 vị nữ thánh tượng trưng cho 5 yếu tố vật chất cơ bản là Kim Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ. Những yếu tố này đóng vai trò trong quá trình hình thành vũ trụ và cũng mang nét văn hóa tín ngưỡng. Ngoài ra cũng là nơi tưởng niệm, tri ân đặc biệt.

Trong thời gian sắp tới, miếu Hòn Bà ở Vũng Tàu sẽ được xây dựng thêm cây cầu mỹ thuật rất đẹp mắt, nối liền từ chân núi Nhỏ ra tới tận đảo, đồng thời cũng trùng tu lại ngôi miếu, hứa hẹn sẽ mang đến điểm tham quan tâm linh kết hợp ngắm cảnh khó quên cho du khách.

Khám phá miếu Hòn Bà là điều khó bỏ lỡ khi du lịch Vũng Tàu

Cách đi tới miếu Hòn Bà

Du khách có thể dễ dàng nhìn thấy miếu Hòn Bà từ tượng chúa Kito dang tay, Mũi Nghinh Phong và nhiều địa điểm khác. Nhưng chỉ khi tự mình đặt chân tới đảo Hòn Bà thì mới cảm nhận được sự linh thiêng và vẻ đẹp của miếu Hòn Bà nổi tiếng ở Vũng Tàu này. Có thể di chuyển bằng 2 cách để tới đảo Hòn Bà, đó là:

- Qua đảo bằng thuyền

Mặc dù nằm gần đất liền nhưng bình thường, để di chuyển qua đảo Hòn Bà thì du khách sẽ phải đi thuyền. Thuyền đi ra đảo được người dân địa phương sống gần khu vực này cung cấp với mức giá là 500k/10-20 người. Đi thuyền sẽ không đi thẳng ra đảo mà thường phải đi vòng để tránh đá ngầm và tới khu vực đậu thuyền có sẵn.

Đảo Hòn Bà bình thường sẽ được bao quanh bởi nước biển

- Đi bộ ra đảo Hòn Bà

Một trong những điều thú vị và hút khách của miếu Hòn Bà ở Vũng Tàu là du khách có thể đi bộ từ đất liền qua con đường đá để tới hòn đảo này. Tuy nhiên, để đi bộ qua đảo thì cần phải tới đúng thời điểm bởi không phải lúc nào lối đi này cũng có sẵn. Thường thì nó chỉ xuất hiện đúng vào 2 ngày là 14 và 15 âm lịch hàng tháng với thời gian chỉ trong 2 giờ khi nước biển rút đi mà thôi.

Từ chỗ gửi xe, đi qua một đoạn cát dài sau đó bạn sẽ bắt gặp con đường đá giữa biển này. Để tới được đảo Hòn Bà, du khách cần đi bộ khoảng 30 phút. Khi may mắn thấy được con đường này thì đừng quên sống ảo và thực hiện ngay hành trình khám phá miếu Hòn Bà này nhé!

Có rất nhiều người đi bộ qua đảo Hòn Bà vào mùa lễ

Đi hết con đường đá du khách còn phải leo lên những bậc thang nữa thì mới tới được khu vực miếu Hòn Bà ở Vũng Tàu này. Du khách tới đảo Hòn Bà chủ yếu là để thắp hương, ngắm cảnh chứ cũng không có hoạt động gì nhiều. Vì thế dành một ít thời gian để khám phá điểm đến này sẽ là trải nghiệm du lịch Vũng Tàu khó quên cho bạn.

Điều cần chú ý khi đi bộ ra miếu Hòn Bà ở Vũng Tàu

Về cơ bản, du khách chỉ cần đi bộ qua con đường là sẽ tới được đảo Hòn Bà, tuy nhiên trên thực thế, khi di chuyển trên con đường này thì phải hết sức chú ý.

Những phiến đá ở đây có đôi chỗ gồ ghề, sắc nhọn, đôi khi còn có cả mảnh hàu vỡ, chúng có thể đâm xuyên giày dép của bạn, có thể gây vấp ngã và đôi khi tạo ra những vết thương ngoài da nên cần chú ý. Đôi chỗ thì mặt đá lại trơn trượt nên khi đi cần đặc biệt cẩn thận.

Du khách khi đi qua đảo Hòn Bà nên chú ý cẩn thận

Khi con đường đá này xuất hiện, sẽ có một lượng lớn du khách đi ra đảo vì thế cần phải chú ý để tránh bị xô đẩy dẫn tới vấp ngã. Đặc biệt cũng nên lưu ý chờ cho nước rút hẳn thì mới đi qua.

Con đường đá thường xuất hiện vào khoảng chiều tối từ 4 giờ cho tới 6 giờ. Với thời gian đi qua đảo khoảng 30 phút, du khách có thể dành thời gian tham quan, ngắm cảnh, chụp hình sau đó trở lại để tránh nước biển dâng cao.

Có thể mang theo ít đồ ăn nhẹ để thưởng thức khi khám phá miếu Hòn Bà ở Vũng Tàu này, bởi khi lên đất liền là đúng thời điểm ăn tối nên không cần ăn no trước khi ra đảo.

Nếu có cơ hội đừng bỏ lỡ chuyến đi tới Hòn Bà nhé

Để có thể đi trên con đường đá này thì nên tham khảo thời gian mà nó xuất hiện nhé. Và đừng quên lên kế hoạch để không bỏ lỡ chuyến đi thú vị này.

Cho dù khám phá miếu Hòn Bà ở Vũng Tàu bằng cách đi thuyền hay đi qua lối đi bộ độc đáo này thì cũng đừng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm điểm đến này trong chuyến du lịch của mình. Khám phá ngôi miếu và ngắm cảnh từ hòn đảo này quả thực là một trải nghiệm tuyệt vời cho chuyến du lịch Vũng Tàu của bạn đấy. Du khách ở xa có thể tìm hiểu thêm giá vé, lịch trình đi Vũng Tàu tại văn phòng Pacific Airlines.

Thu Hiền