Jetstar Pacific tái cơ cấu lần 3, đổi tên thành Pacific Airlines

Trong những tháng diễn ra đại dịch Covid-19, hai cổ đông lớn nhất của Jetstar Pacific là hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và hãng hàng không Qantas (Úc) xúc tiến hoàn tất việc chuyển giao toàn bộ 30% cổ phần của Qantas tại JPA cho Vietnam Airlines. Từ đó, Qantas sẽ chính thức rút lui khỏi thị trường Việt Nam sau 13 năm hợp tác. Đây cũng là cơ hội để Jetstar Pacific tái cơ cấu lần 3, đổi tên thành Pacific Airlines.

Qantas bàn giao 30% cổ phần cho Vietnam Airlines tại JPA

Vào cuối tháng 3/2020, JPA thực hiện chuyến bay cuối cùng giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trước khi tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam về hạn chế các chuyến bay nội địa nhằm đề phòng, chống dịch Covid-19.

Jetstar Pacific tái cơ cấu mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19

Dựa trên phân bổ của Cục Hàng không Việt Nam, kể từ ngày 1/4, các hãng hàng không chỉ được phép khai thác trên 3 đường bay khứ hồi bao gồm Hà Nội – TP.HCM, Hà Nội – Đà Nẵng và TP.HCM – Đà Nẵng. Cụ thể, chặng Hà Nội – TP.HCM và ngược lại mỗi ngày có 2 chuyến; ngày lẻ do Bamboo Airways và Jetstar Pacific khai thác và ngày chẵn do Vietnam Airlines và Vietjet khai thác. Chặng Hà Nội – Đà Nẵng và TP.HCM – Đà Nẵng do Vietnam Airlines và Vietjet khai thác đan xen.

Áo dài từng là đồng phục tiếp viên nữ của Jetstar Pacific

Tuy nhiên, từ ngày 1/4, trong khi các hãng hàng không duy trì tỉ lệ mỗi ngày một chuyến bay nội địa thì JPA vẫn chưa bay thêm chuyến nào khác. Đây cũng có thể là do chuyến bay cuối cùng của hãng dưới tên gọi này để chuẩn bị cho đợt tái cơ cấu mạnh sau đại dịch vào ngày 30/6 tới.

Quá trình chuẩn bị tái cơ cấu Jetstar Pacific

Trong nhiều tháng qua, hai cổ đông lớn nhất của JPA là Vietnam Airlines với 68.85% vốn và Qantas Asia Investment Company của Singapore chiếm 30% vốn đã tiến hành nhiều cuộc họp, bàn bạc để đi đến những quyết định quan trọng cho đợt tái cơ cấu lần 3 của JPA kể từ 15 năm thành lập đến hiện tại.

Vietnam Airlines là cổ đông lớn nhất của Jetstar Pacific

Thời gian này, đáng chú ý nhất là Qantas Asia đang xúc tiến phương án bàn giao 30% cổ phần mà hãng đã mua từ Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước SCIC từ năm 2007 cho Vietnam Airlines mà không kèm điều kiện về việc thu hồi phần vốn đã góp sau 13 năm. Điều kiện đang được bàn bạc là việc Qantas rút lui sẽ diễn ra nhanh chóng từ 30/6.

Nếu việc chuyển giao 30% cổ phần từ Qantas cho Vietnam Airlines đạt được sự đồng thuận cuối cùng giữa hai bên, Qantas (Úc) là công ty mẹ của Qantas Asia sẽ rút lui hoàn toàn khỏi JPA sau 13 năm góp vốn không suôn sẻ.

Đội bay của Jetstar Pacific là những chiếc máy bay A320 thuê từ các nhà cung cấp

Dù vậy, hai hãng này vẫn chưa có sự thống nhất cuối cùng về thời hạn chuyển giao nên vẫn tiếp tục bàn bạc. Phía Vietnam Airlines sẽ tiếp tục có những cuộc họp trước khi thống nhất trình phương án tiếp nhận lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước CMSC.

Trước đây, trong thời gian cuối năm 2011, JPA đang đứng trên bờ vực phá sản khi phải đối mặt với nhiều khó khăn, mất khả năng thanh toán với vốn chủ sở hữu âm trên 600 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 2.500 tỷ đồng. Để vực dậy hãng, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ đã giao cho Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn nhà nước tại SCIC từ đầu năm 2012. Thời gian này cũng diễn ra đợt tái cơ cấu lần thứ 2 của JPA.

Vietnam Airlines tái cơ cấu lần hai JPA, hoạt động theo định hướng thương hiệu kép

Lúc này, Vietnam Airlines và Qantas đã tiến hành đàm phán để ký lại thỏa thuận về các hợp đồng thương mại, góp vốn, xây dựng định hướng và tái cơ cấu toàn diện JPA. Vietnam Airlines với vai trò là cổ đông lớn đã tái cơ cấu mạnh mẽ JPA theo định hướng “Thương hiệu kép” (nghĩa là hàng không truyền thống đi kèm hàng không giá rẻ). Đến năm 2014, lần đầu tiên JPA cân đối được thu chi.

Trong 2 năm gần đây, Qantas dần rút lui và các cuộc đàm phán liên tục giữa hai bên trong những tháng qua đã cho thấy khả năng Vietnam Airlines giành quyền kiểm soát toàn bộ JPA đang dần trở thành hiện thực.

Jetstar Pacific bị xóa sổ, đổi thương hiệu thành Pacific Airlines

Thực tế, đại dịch Covid-19 xảy ra đã khiến cho mong muốn chuyển giao của Qantas thực hiện nhanh hơn dự kiến. Khi rút hết khỏi thị trường Việt Nam, Qantas sẽ bàn giao lại cho đối tác kế thừa nguyên trạng toàn bộ nghĩa vụ về nợ, lỗ lãi, toàn bộ bộ máy nhân sự, tài sản… Điều này đồng nghĩa với việc Vietnam Airlines sẽ tiếp quản đội bay gồm 15 máy bay A320 đi thuê từ 5 – 6 nhà cung cấp, đội ngũ nhân viên hiện có khoảng 2.200 người, số lũy kế tính đến hết 2018 là hơn 4.200 tỷ đồng.

Sau đợt tái cơ cấu lần 3, Vietnam Airlines sẽ tiếp quản đội ngũ nhân viên của JPA

Được biết, từ tháng 6/2019, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch tái cơ cấu toàn diện JPA một cách quyết liệt cùng các cổ đông. Trong đó, trọng điểm là phương án tái cơ cấu tài chính, tăng vốn điều lệ, khắc phục những tồn tại của hệ thống bán để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, Vietnam Airlines cũng sẽ xóa bỏ thương hiệu JPA, thay vào đó là sử dụng tên thương hiệu Pacific Airlines.

Như vậy, việc Jetstar Pacific được tái cơ cấu lần 3 để hoạt động dưới tên Pacific Airlines, thị trường hàng không Việt Nam sẽ chứng kiến hãng bay đầu tiên có cải tổ mạnh dưới hình thức xóa sổ tên cũ để nâng cao hiệu quả hoạt động ngay sau đại dịch Covid-19./.