Việt Phủ Thành Chương – nơi lưu giữ nét đẹp hoài cổ của thủ đô Hà Nội

Nếu bạn là một người yêu kiến trúc cổ xưa, muốn tìm về những giá trị văn hóa của một thời đã qua thì Việt Phủ Thành Chương ở Hà Nội là điểm đến lý tưởng khó bỏ qua. Nơi đây không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa – xã hội – kiến trúc mà còn có rất nhiều góc chụp ảnh tuyệt đẹp làm bạn mê mẩn. Khi bạn mua vé máy bay đi Hà Nội, hãy dành chút thời gian đến tham quan Việt Phủ Thành Chương. Nơi đây sẽ đưa bạn quay trở về với bình yên, tìm lại sự thanh tịnh cho tâm hồn.

  1. Thông tin chung về Việt Phủ Thành Chương

Việt Phủ Thành Chương được xây dựng từ năm 2001 – 2004, bắt nguồn từ ý tưởng của họa sĩ Thành Chương, người muốn tái hiện lại dấu ấn văn hóa của ông cha ta thời xưa. Tọa lạc trên mảnh đất có diện tích hơn 8.000m2 tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, Việt Phủ Thành Chương được xem là công trình kiến trúc đồ sộ mang đậm giá trị văn hóa – lịch sử và kiến trúc cùa Việt Nam.

Một góc yên bình bên trong khuôn viên Việt Phủ Thành Chương

Nơi đây được xây dựng như một bảo tàng, là công trình tâm huyết của họa sĩ Thành Chương. Toàn bộ ngôi nhà lưu giữ lại tinh hoa từ văn hóa – lịch sử của các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê… Không gian kiến trúc truyền thống của Việt Phủ Thành Chương đẹp tuyệt đỉnh. Mỗi một góc đều gợi cho người ta cảm giác như đang trở về thời kì lịch sử xưa cũ. Kể từ khi đi vào hoạt động, Việt Phủ Thành Chương đã nhanh chóng trở thành điểm du lịch văn hóa ở Hà Nội được nhiều người yêu thích.

Trong phủ có nhiều góc chụp ảnh tuyệt vời để bạn tha hồ thả dáng

  1. Giá vé tham khảo để vào tham quan Việt Phủ Thành Chương

Địa chỉ: hồ Kèo Cả, xã Hiền Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Giá vé tham khảo

  • Người lớn: 150.000đ/vé
  • Trẻ em: 120.000đ/vé
  • Học sinh, sinh viên, người cao tuổi: 120.000đ/vé
  • Miễn phí vé cho trẻ em cao dưới 110cm
  • Miễn phí vé gửi xe

Giờ mở cửa: 09:00 – 17:00 hằng ngày. Nhà hàng, cà phê, cửa hàng quà tặng nghỉ vào ngày thứ hai.

  1. Hướng dẫn cách đi đến Việt Phủ Thành Chương

Việt Phủ Thành Chương cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km. Bạn có thể lựa chọn nhiều hình thức di chuyển khác nhau như ô tô, xe máy, xe buýt…

- Xe buýt: Bạn đi xe 07 từ Cầu Giấy đến bến KCN Bắc Thăng Long hoặc Mê Linh Plaza. Sau đó, bạn chuyển sang xe 64 đến bến Xóm Núi 1 và đi bộ tới Việt Phủ Thành Chương.

- Xe máy: Nếu bạn thích đi phượt thì có thể thuê xe máy đi theo hướng dẫn của Google Map.

Nhiều hiện vật được trưng bày bên trong Việt Phủ Thành Chương

  1. Khám phá vẻ đẹp của Việt Phủ Thành Chương

Việt Phủ Thành Chương có tổng cộng 30 công trình kiến trúc mang dáng dấp lịch sử Việt Nam qua các triều đại phong kiến thời xưa. Dạo quanh một vòng tổng quan, bạn sẽ cảm nhận không gian lịch sử như ùa về từng đợt. Đầu tiên, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của 13 ngôi nhà cổ được đặt cho những cái tên đặc biệt như lầu Tường Vân, nhà Thanh Tĩnh, cổng Hương, nhà Mạc Hương, quán Xuân Phong…

Cổng vào Việt Phủ Thành Chương có 3 cửa được trang trí tinh tế

Từ bên ngoài nhìn vào là vẻ đẹp của cánh cổng làng Thổ Hà xưa cũ. Cánh cổng được làm bằng gỗ với 3 cửa, một cửa chính và hai cửa phụ. Bên trên được lợp ngói đỏ, xung quanh được trang trí với nhiều tượng đá, hoa văn chạm trổ tinh tế. Bên cạnh cổng vào là cây đa nhiều năm tuổi, gợi lên hình ảnh thân thương của làng quê Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước. Khi bước qua cổng vào là con đường lát gạch Bát Tràng dẫn du khách đi sâu vào bên trong phủ.

Các kiến trúc được tái hiện sống động, đưa khách tham quan quay về thời kì lịch sử

Việt Phủ Thành Chương tập hợp tất cả các kiến trúc nhỏ có liên quan như tháp, hồ sen, nhà hát, phòng tranh, bàn cờ… Lần lượt tham quan từng địa điểm, du khách có thể tha hồ thưởng lãm vẻ đẹp của các kiến trúc giữa thiên nhiên yên bình, tái hiện lại không gian lịch sử một cách sống động nhưng vẫn vô cùng thanh tao và quyến rũ.

Đi sâu vào bên trong, du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngôi nhà được lợp bằng cói rối 200 tuổi của dân tộc Mường, ngôi nhà cung đình Huế có tuổi đời 300 năm, hay tham quan ngôi nhà gỗ lim đậm chất đồng bằng Bắc Bộ. Đáng chú ý nhất chính là ngôi nhà bằng tranh gắn liền với lịch sử hào hùng từ Nam ra Bắc của dân tộc Việt Nam hiện lên một cách tráng lệ, làm say đắm lòng người và cũng khiến trái tim người ta đập thổn thức ngay từ phút giây đầu tiên.

Bạn sẽ được chiêm ngưỡng những kiểu nhà cũ của người Việt thời xưa

Bên cạnh đó, bạn cũng được chiêm ngưỡng ngôi nhà tranh mái lá bên cạnh chum nước phủ đầy rêu phong, hay ngôi nhà đất gắn liền với nông thôn Việt Nam mà chúng ta từng được biết đến qua tư liệu, sách vở. Giờ đây, những kiểu nhà xưa cũ mộc mạc ấy đều hiện hữu chân thực bên trong quần thể kiến trúc Việt Phủ Thành Chương này.

Nếu bạn yêu các tác phẩm văn học Việt Nam giai đoạn 1945, bạn sẽ nhận ra ngay những ngôi nhà với vật dụng thô sơ, giản dị như đang cùng nhau kể lại câu chuyện của Chí Phèo, Vợ nhặt… Tất cả những gì từng hiện hữu trong thơ văn Việt Nam thời xưa đều đã bước ra đời thực với độ chân thực ở mức tương đối nhất có thể.

Không gian bên trong một căn nhà của Việt Phủ

Việt Phủ Thành Chương ứng dụng kỹ thuật hiện đại kết hợp với lịch sử dân tộc từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê… Nơi đây không chỉ gợi nhớ về nguồn cội lịch sử dân tộc hào hùng mà còn mang trong mình vẻ đẹp đơn sơ, giản dị, mộc mạc đầy trầm tĩnh của dân tộc Việt Nam thời xưa.

Men theo con đường lát gạch đỏ sẫm nối tiếp những tòa tháp như một chốn mê cung huyền bí, du khách có thể dễ dàng bắt gặp đầm sen nhỏ ẩn nấp giữa nhừng lùm cây xanh tốt quanh năm. Mặt hồ trong xanh tĩnh lặng, thi thoáng có bóng dáng những chú cá tinh nghịch khuấy động, điểm tô trên mặt hồ là những bông hoa sen hồng khoe sắc tỏa hương ngào ngạt. Xa xa là khóm trúc xinh xinh soi bóng dưới mặt hồ. Tất cả tạo cho người ta cảm giác thư thái vô cùng, mọi mệt mỏi từ bộn bề cuộc sống như được xua tan đi hết.

Hồ nước tĩnh lặng giúp bầu không khí trở nên mát mẻ hơn

Những chiếc bàn gỗ lim được thiết kế tinh xảo nằm lặng mình ở một góc sân trong phủ. Dừng chân lại nơi đây và thong thả thưởng thức tách trà nóng hồi, ngắm nhìn khung cảnh thơ mộng, bạn cứ ngỡ như mình là thi sĩ thời xưa đang ngồi ngâm nga thi ca cổ. Bạn cũng có thể ngả lưng một chút trên những chiếc chõng tre, hòa mình vào cảnh quan yên bình và rất đỗi lãng mạn của nơi đây.

Một góc sân bình yên tại Việt Phủ Thành Chương

Việt Phủ Thành Chương được phủ lên một màu xanh mướt của muôn ngàn tán cây lớn nhỏ đen quyện vào nhau. Nhờ đó mà bầu không khí nơi đây quanh năm mát mẻ, cực kỳ thoáng đãng. Điểm nhấn trong phủ là thác nước cao 5 tầng tung bọt trắng xóa một cách mạnh mẽ. Âm thanh réo rắt của dòng nước chảy tựa như bản tình ca đầy mãnh liệt.

Mỗi góc trong phủ lên hình đều rất tuyệt vời

Ngay dưới chân thác là bàn thờ Phật Tổ đầy uy nghiêm, được xây dựng trên nền đất đá. Bát hương tỏa khói nghi ngút tạo nên một gian tâm linh đầy huyền bí và có chút mờ ảo. Địa điểm này cũng là nơi đặt bảo tháp Thiên Hương – công trình kiến trúc tâm linh kết hợp nghệ thuật một cách độc đáo, hoàn hảo.

Bên cạnh các kiến trúc nhà cửa, ở đây còn có nhiều công trình thể hiện nét đẹp văn hóa tính ngưỡng của người Việt như tượng Phật, điện Mẫu, đền thờ Đức Thánh… Mỗi dịp tết đến xuân về, Việt Phủ Thành Chương cũng là điểm cúng bái cầu phước được nhiều người trong khu vực lựa chọn.

Gian thờ Phật bên trong Việt Phủ Thành Chương

Năm 2004, hoàng hậu và phái đoàn hoàng gia Thụy Điển đã có chuyế tham quan đến Việt Phủ Thành Chương. Sau đó, nhiều tờ báo lớn như New York Times, Herald Tribune cũng đã đăng tải nhiều bài viết khen ngợi vẻ đẹp mà quần thể kiến trúc Việt Phủ Thành Chương sở hữu. Từ đó, nơi đây càng được du khách trong và ngoài nước biết đến rộng rãi hơn và tạo được dấu ấn quan trọng trong lòng những vị khách đã từng đặt chân đến.

Từng chi tiết đều được thể hiện một cách tinh xảo trên mỗi công trình

Nhiều năm qua, Việt Phủ Thành Chương là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện lớn. Trong đó, nổi bật nhất là dịp lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội vào năm 2010. Vào ngày thường, Việt Phủ Thành Chương đón tiếp nhiều du khách gần xa đến tham quan, ngắm cảnh và chụp ảnh lưu niệm.

Bạn chỉ cần diện trang phục “cổ cổ” một chút là có ngay bức ảnh cực xịn

Tọa lạc trong khuôn viên Việt Phủ Thành Chương là hệ thống nhà hàng hai sao, mang đến cho thực khách những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Không gian nhà hàng ở đây được bày trí giữa tiện nghi hiện đại cùng gam màu cổ điển trầm ấm mang màu hoài niệm. Những món ăn được phục vụ dân dã nhưng cũng được chế biến rất kì công. Khi dùng bữa tại đây, chắc chắn bạn sẽ hài lòng với dịch vụ ẩm thực được cung cấp.

 Kiến trúc đặc sắc của nhà hàng bên trong Việt Phủ

Sau khi dùng bữa xong, bạn có thể đến cửa hàng quà lưu niệm để mua về một vài món đồ thủ công mỹ nghệ làm quà. Ngoài ra, bạn đừng quên ghé qua nhà hát Long Đình để thưởng thức các tiết mục múa rối nước được các nghệ nhân dàn dựng công phu.

Sân khấu múa rối nước bên trong Việt Phủ Thành Chương

Lưu ý, khi tham quan Việt Phủ Thành Chương, bạn chỉ được chụp ảnh, quay video ở những nơi không có biển hạn chế. Nếu chụp ảnh cho mọi mục đích có yếu tố tạo nên doanh thu ngoài mục đích lưu niệm mà không trả phí đầy đủ hoặc chưa đạt thỏa thuận bằng văn bản với đại diện của phủ thì sẽ bị coi là vi phạm bả quyền tác giả. Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi vừa chia sẻ sẽ giúp cho bạn có được chuyến đi đáng nhớ và thú vị nhất. Gọi ngay đến đại lý Pacific Airlines Việt Nam săn vé cho chuyến vi vu đến Việt Phủ Thành Chương Hà Nội nhé!

Ngọc Trinh